Tra Từ Điển Đạo Phật

Tìm kiếm theo chữ cái

Diệt trừ bản ngã

là điều quan trọng trong Phật giáo. Nếu không diệt bản ngã thì không bao giờ có giải thoát. Để diệt bản ngã hành giả phải hành đúng pháp tức là phải tu tập đúng Bát Chánh Đạo, ngoài Bát Chánh Đạo thì không có pháp nào tu tập diệt ngã được.

Đức Phật đã xác định Bát Chánh Đạo có những pháp môn tu tập rõ ràng và cụ thể. Khi chúng ta thường tác ý quán theo lời dạy của Đức Phật thì bản ngã của chúng bị diệt: “Thân này không phải là ta, là của ta, là bản ngã của ta” hoặc về thân ngũ uẩn: “Sắc uẩn này không phải là ta, là của ta, là bản ngã của ta.

Thọ uẩn này không phải là ta, là của ta, là bản ngã của ta. Tưởng uẩn này không phải là ta, là của ta, là bản ngã của ta. Hành uẩn này không phải là ta, là của ta, là bản ngã của ta. Thức uẩn này không phải là ta, là của ta, là bản ngã của ta”.

Đức Phật còn dạy diệt ngã trong kinh: "Trong cái thấy sẽ chỉ là cái thấy. Trong cái nghe sẽ chỉ là cái nghe. Trong cái thọ tưởng sẽ chỉ là cái thọ tưởng. Trong cái thức tri sẽ chỉ là cái thức tri". Khi nhận ra sáu căn, sáu thức này không phải là ta, là của ta, là bản ngã của ta thì ngay đó bản ngã đã được diệt và bản ngã đã được diệt thì sự giải thoát là ở chỗ đó.

Diệt sạch được bản ngã là vị đó đã chứng đạo, đã tu xong, chứ không phải còn ở trên đường đang tu tập nữa. Một người tu sĩ hay cư sĩ khi diệt trừ được ngã thì tâm họ như đất dù ai có đổ các chất bẩn trên đất thì đất cũng không buồn phiền, và nếu ai có đổ vàng ngọc trên đất thì đất cũng chẳng mừng vui.

Người diệt được ngã là người sống trong trạng thái tâm không phóng dật. Khi tâm không phóng dật thì tâm định trên thân, tâm định trên thân là tâm bất động, tâm bất động là trạng thái “Diệt Đế”, tức là một chân lý trong bốn chân lý của đạo Phật.

Gợi ý